Kỹ năng coaching nhân viên: Phát huy trọn vẹn tiềm năng doanh nghiệp

 



Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của đội ngũ lãnh đạo và quản lý. Trong số các kỹ năng cần thiết cho cấp lãnh đạo, coaching (huấn luyện) được đánh giá là một trong những tiêu chí sống còn. Một người quản lý sở hữu kỹ năng coaching nhân viên sẽ là “chất xúc tác” tuyệt vời cho quá trình cải thiện hiệu suất, kỹ năng và sự gắn kết nhân viên – tạo tiền đề do doanh nghiệp duy trì và phát triển bền vững.

Kỹ năng coaching cho nhân viên là gì?

Nói một cách đơn giản, huấn luyện (coaching) bao hàm kỹ năng đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về người được huấn luyện (coachee) – từ đó gợi mở các giải pháp, cảm xúc, ý tưởng và suy nghĩ mới nơi coachee. Ở cấp độ quản lý doanh nghiệp, việc đặt câu hỏi góp phần thúc đẩy nhân viên của bạn phải suy nghĩ sâu rộng hơn về các vấn đề hiện tại. Đây là tiền đề quan trọng giúp họ mở rộng tầm nhìn, cải thiện kỹ năng lập luận và phát huy năng lực sáng tạo.

Thực tế đã chứng minh hiệu quả vượt bậc của phong cách lãnh đạo huấn luyện (coach style leadership) so với phong cách độc đoán (autocratic) từng được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ưa chuộng. Bằng việc phát triển và thực hành kỹ năng coaching nhân viên, cấp lãnh đạo sẽ có thể xây dựng một đội nhóm tài năng, nhanh nhạy và luôn sẵn sàng cống hiến trong mọi hoàn cảnh.

Sự khác biệt giữa người quản lý thông thường và người quản lý huấn luyện

Một người quản lý theo phong cách huấn luyện (coaching) được đặc trưng bởi những đặc điểm sau:

  • Họ hiểu rõ nhân viên của mình. Thay vì đưa ra giả định, họ dành thời gian để tìm hiểu nhân viên, những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của họ.
  • Họ biết kiểm soát cái tôi cá nhân. Người quản lý coaching không sử dụng kiến thức của mình để gây ấn tượng nơi người khác. Thay vì tập trung ghi nhận công trạng của mình, mối quan tâm hàng đầu của họ là cơ hội phát triển cho nhân viên dưới quyền.
  • Họ luôn đặt câu hỏi với nhân viên. Bạn thích điều gì nhất về công việc này? Điều gì đang khiến bạn lo lắng? Bạn muốn tiếp cận vấn đề như thế nào? Bạn có cần ai giúp đỡ không? Chúng ta có thể xem xét vấn đề này theo một hướng khác không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta đặt ngược vấn đề lại?
  • Họ biết cách lắng nghe. Thay vì đưa ra lời khuyên hoặc giải pháp ngay lập tức, họ cho nhân viên thời gian để nêu quan điểm cá nhân. Chỉ sau khi mọi người đã trình bày xong, họ mới bắt đầu trao đổi để tìm ra hướng đi mới.

Quản lý thông thường vs Quản lý huấn luyện

(Nguồn: Performance Consultants)

Quy trình coaching cho nhân viên ở các cấp độ khác nhau

Cũng như các vấn đề về phát triển con người khác, hiệu quả của coaching phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều chỉnh hướng tiếp cận của cấp quản lý – sao cho thích hợp nhất với từng cá nhân. Tùy thuộc vào vị trí và thâm niên trong công ty, một số nhân viên sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn những người khác.

Một huấn luyện viên giỏi sẽ không sử dụng cùng một phong cách huấn luyện cho từng thành viên trong nhóm. Thay vào đó, họ sẽ linh hoạt trong phương pháp tiếp cận của mình – tùy vào việc nhân viên của mình đang ở mức nào trong 5 cấp độ dưới đây:

Cấp độ 1: Người mới (Novices)

Đây là những nhân viên mới và đang trong giai đoạn học hỏi. Do đó, họ cần nhận được nhiều sự chỉ dẫn và góp ý mang tính xây dựng. Với vai trò là người tuyển họ vô công ty, bạn cần thực sự tin tưởng họ. Ngoài ra, tránh đừng quản lý vi mô (micro-manage) quá mức – nếu như bạn không muốn cản trở họ phát triển lên cấp độ tiếp theo!

Cấp độ 2: Học việc (Doer)

Ở cấp độ tiếp theo, nhân viên của bạn chưa hoàn toàn thành thạo công việc. Vì vậy, bạn vẫn cần thường xuyên cố vấn cho họ. Dẫu vậy, đây là là giai đoạn họ bắt đầu có những đóng góp cho đội nhóm. Để khuyến khích sự phát triển của họ, bạn nên tạo nhiều cơ hội khuyến khích các hành vi mới, và khen ngợi khi nhân viên đạt kết quả tốt.

Cấp độ 3: Người biểu diễn (Perfomer)

Sau một thời gian, nhân viên của bạn đã bắt đầu thuần thục và đủ khả năng gánh vác toàn bộ công việc của mình. Với cấp độ này, bạn nên giảm bớt tần suất mentoring – thay vào đó, hãy chủ yếu tập trung vào việc ghi nhận kết quả tốt và cải thiện những gì chưa đáp ứng như kỳ vọng.

Cấp độ 4: Thành thạo (Master)

Tại thời điểm này, nhân viên của bạn không chỉ hoàn thành chỉ tiêu được giao, mà còn có thể đạt hiệu quả hơn mong đợi. Thêm vào đó, họ đã hình thành hiểu biết đủ sâu sắc về những việc nên làm để có thể đào tạo và huấn luyện những đồng nghiệp khác.

Cấp độ 5: Chuyên gia (Expert)

Các chuyên gia là những thành viên giá trị trong nhóm. Họ đủ tự tin để tự chủ trong công việc – đồng thời hướng dẫn người khác khi cần thiết. Đối với nhân viên ở cấp độ này, bạn không cần thiết phải công nhận và khen ngợi thường xuyên để duy trì động lực của họ.

Thực hành kỹ năng coaching cho nhân viên

Coaching (huấn luyện) và đào tạo nhân viên là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của cấp lãnh đạo quản lý nhằm tăng cường hiệu quả làm việc và gắn kết nhân viên. Ở vị trí quản lý, bạn sẽ cần giúp nhân viên dưới quyền học tập và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Mô hình GROW là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất có thể áp dụng trong các buổi coaching giữa lãnh đạo và nhân viên. Được đề xuất lần đầu tiên bởi John Whitmore vào thập niên 1980, mô hình này đã nhanh chóng trở thành khung tiêu chuẩn huấn luyện phổ biến trên thế giới.

Mô hình GROW trong kỹ năng coaching nhân viên

(Nguồn: Performance Consultants)

Tham khảo: Khóa học coaching