Huấn luyện là gì?

 

huấn luyện là gìHuấn luyện là gì? Coaching là gì?

Huấn luyện là gì?

Huấn luyện (hay coaching) đang là một xu thế mới ở Việt Nam. Huấn luyện được xem là một phương pháp để giúp đỡ người khác rèn luyện, phát triển, học hỏi những kỹ năng mới, đối mặt với thử thách cá nhân, kiểm soát sự thay đổi trong cuộc sống, xây dựng mục tiêu và đạt được thành công. Huấn luyện là về việc nhận ra những điều tốt đẹp nhất của một người nào đó và khuyến khích họ đưa ra những quyết định để cải thiện cuộc sống của chính mình. Làm việc với một Huấn luyện viên cuộc sống (life coach), hay cao hơn nữa là Huấn luyện Doanh nghiệp (Business Coach) luôn có hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, bất kể là mục tiêu trong cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp, bán hàng hoặc trong doanh nghiệp và kinh doanh. Mặc dù có sự khác nhau trong quá trình đào tạo giữa Huấn luyện viên cuộc sống, Huấn luyện Doanh nghiệp và những hình thức huấn luyện tương tự khác, nhưng về cơ bản, huấn luyện đều có những nguyên tắc giống nhau.

Huấn luyện là khả năng nhìn ra những điều tốt đẹp nhất của một người nào đó và khuyến khích họ đưa ra những quyết định để cải thiện cuộc sống của chính mình.

Tầm quan trọng của huấn luyện

Hiện nay, công việc huấn luyện đã trở nên hấp dẫn hơn những gì được diễn tả và phát triển hơn mức mà người ta biết đến. Huấn luyện viên khơi gợi để khách hàng tự nhìn nhận vấn đề của mình hơn là chỉ dẫn việc họ nên làm. Một trong những nguyên tắc cơ bản của huấn luyện là không có sự phán xét hay chỉ trích những gì đã xảy ra trong quá khứ mà hướng về phát triển tiềm năng, về tương lai.

Huấn luyện viên được thuê với rất nhiều lý do đa dạng khác nhau chẳng hạn như: để giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển nhanh và thịnh vượng hơn, để người chủ doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn, để thăng tiến nhanh hơn trên những nấc thang nghề nghiệp, để tìm thấy sự hài lòng trong công việc, để cải thiện những mối quan hệ với gia đình và bạn đời, để học hỏi các kỹ năng, để đạt được những giá trị tinh thần trong cuộc sống, hay đơn giản bắt nguồn từ mong muốn xử lí các vấn đề.

Bản chất của huấn luyện chính là sự chuyên nghiệp mà việc tạo ra sự khác biệt và giúp đỡ người khác luôn là vấn đề trung tâm.

Các loại hình huấn luyện

Huấn luyện tập trung giúp con người phát triển và trưởng thành hơn trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Điều này dẫn đến sự chuyên biệt hóa của từng huấn luyện viên với mục đích hỗ trợ chuyên sâu khách hàng đạt được những mục tiêu cụ thể, bao gồm:

  • Huấn luyện cá nhân (personal coach) hay Huấn luyện cuộc sống (life coach)
  • Huấn luyện nghề nghiệp – hỗ trợ sự thăng tiến và lựa chọn một công việc thích hợp (career coach)
  • Huấn luyện tinh thần, tâm linh (spirit coach)
  • Huấn luyện cho cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái (parent coach)
  • Huấn luyện phát triển kỹ năng nói trước công chúng (public speaking coach)
  • Huấn luyện về phát triển các kỹ năng lãnh đạo và điều hành (leadership coach)
  • Huấn luyện trong bán hàng (sale coach)
  • Huấn luyện chuyên dùng trong doanh nghiệp (business coach) và huấn luyện dành riêng cho các giám đốc và các nhà lãnh đạo (executive coach)

Coaching là gì

Các hình thức huấn luyện

Một điều thú vị là, hầu hết các buổi huấn luyện đều được thực hiện thông qua điện thoại hoặc skype. Có rất nhiều huấn luyện viên chưa bao giờ gặp mặt khách hàng của mình. Việc huấn luyện thông qua điện thoại được đánh giá là có hiệu quả tương đương với gặp mặt trực tiếp, vì nhiều khách hàng thích ở nhà hoặc trong môi trường thoải mái của họ và nói chuyện với huấn luyện viên hơn, khi đó họ thấy an toàn và dễ chia sẻ. Điều này khiến cho quá trình huấn luyện trở nên rất tiện lợi cho cả huấn luyện viên và khách hàng, mang đến sự linh hoạt hơn cho những người có cuộc sống bận rộn. Bên cạnh đó, việc huấn luyện qua điện thoại còn mang lại những ưu điểm khác, như:

  • Không bị ngăn cách bởi vị trí địa lý. Việc huấn luyện có thể diễn ra giữa huấn luyện viên và khách hàng bất kể họ ở đâu trên thế giới.
  • Không tốn thời gian và chi phí cho việc di chuyển.
  • Không tốn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị, một buổi huấn luyện bằng điện thoại có thể diễn ra ngay sau khi được thông báo.
  • Huấn luyện viên không cần đến phòng làm việc, phòng họp, nhân viên hoặc những chi phí khác.

Sự khác biệt giữa nghề huấn luyện – tâm lý học – trị liệu – tư vấn

Huấn luyện là một công việc tương đối mới lạ, không giống với tâm lý học, tư vấn hay việc trị liệu. Sự khác biệt lớn nhất ở đây chính là huấn luyện không đòi hỏi người được huấn luyện phải có câu trả lời. Công việc của một huấn luyện viên không phải là giải quyết những vấn đề cũ, định hướng hay cố gắng thu thập nhiều thông tin trong quá khứ (như trị liệu thường làm). Huấn luyện viên trong khi làm việc với khách hàng sẽ giúp họ tự tìm thấy câu trả lời. Việc huấn luyện tập trung vào tương lai, vào nhu cầu, mong muốn, mục tiêu và mục đích của khách hàng.

Bản thân huấn luyện viên đã là một hình mẫu của sự lạc quan và tích cực, nên khi làm việc với khách hàng họ đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho khách hàng theo đuổi mong muốn cá nhân. Theo cách này, huấn luyện trở thành một cách đặc biệt để phát triển con người. Nhiều huấn luyện viên đồng ý rằng việc giúp đỡ khách hàng đạt đến những khả năng trọn vẹn của họ thông qua việc huấn luyện mang lại sự hài lòng tuyệt vời.

Việc huấn luyện là không giống như khuyên bảo, do vậy, nó cũng không giống với tư vấn. Huấn luyện và tư vấn là hai lĩnh vực rất khác nhau, với các phương pháp và mục đích khác nhau. Có một sự khác biệt rất lớn giữa huấn luyện và tư vấn: huấn luyện tập trung vào khách hàng, trong khi đó tư vấn có xu hướng dựa trên những niềm tin, giá trị và ý kiến của các cố vấn. Trong khía cạnh này, một huấn luyện viên chắc chắn không phải là một cố vấn. Vai trò của huấn luyện viên, và khái niệm huấn luyện, là để giúp người khác tìm ra các giải pháp riêng của họ thay vì làm theo các khuyến cáo hoặc đề nghị của một cố vấn. Ngoài ra, nhà tư vấn là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, trong khi huấn luyện viên chỉ cần là một chuyên gia huấn luyện, chứ không cần phải là chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Nói vậy không phải là huấn luyện viên không được hưởng lợi từ việc có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể, trong thực tế, tiếp cận huấn luyện từ 6 chuyên môn đặc biệt hoặc thích hợp ngày càng trở nên phổ biến ở những huấn luyện viên mới được đào tạo.

Nhìn chung, huấn luyện viên có thể sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn trước đó vào công tác huấn luyện của mình. Đó là một lợi thế để chọn lựa phân khúc thị trường đặc trưng mà họ nổi bật và có nhiều ưu thế hơn các huấn luyện viên khác.

Xem thêm: Khóa học kỹ năng huấn luyện

Mối quan hệ đồng sáng tạo giữa khách hàng và huấn luyện viên

Bất kể là với lý do gì mà khách hàng quyết định làm việc với một huấn luyện viên, bất kể là hình thức huấn luyện nào được sử dụng và bất kể khách hàng tìm kiếm kết quả nào từ quá trình huấn luyện, có một đặc điểm chung đặc trưng trong mối quan hệ huấn luyện chính là quá trình tương tác hai chiều và đồng sáng tạo giữa khách hàng và huấn luyện viên.

Việc cộng tác với huấn luyện viên để thúc đẩy quá trình suy nghĩ sáng tạo là sự hấp dẫn chính mà khách hàng tìm kiếm trong huấn luyện. Nó mang lại lợi ích cho cả khách hàng và huấn luyện viên. Sự tự phát triển cá nhân của huấn luyện viên cũng là một khía cạnh lớn trong việc học hỏi huấn luyện và trước khi giúp đỡ người khác, nhiều huấn luyện viên đã nhận thấy rằng chính họ đang từng bước trưởng thành. Một huấn luyện viên xuất sắc luôn tìm kiếm những điều mới về bản thân và luôn duy trì hành trình học hỏi này.

Thật ra, trở thành một huấn luyện viên đồng nghĩa với sứ mạng tìm kiếm sự hoàn thiện bản thân suốt đời. Đối với nhiều người, sứ mạng này chính là động lực ban đầu để trở thành một huấn luyện viên. Việc giúp đỡ khách hàng tìm thấy và đạt đến những điều mà họ muốn chính là một phương pháp đã được kiểm chứng, và chính điều này đã làm huấn luyện chuyên nghiệp ngày càng phổ biến hơn.

Huấn luyện chính là quá trình tương tác hai chiều và đồng sáng tạo giữa khách hàng và huấn luyện viên.


Kỹ năng cần thiết của huấn luyện viên giỏi

Các kỹ năng cơ bản mà một huấn luyện viên giỏi cần có:

Lắng nghe

Trong huấn luyện, việc lắng nghe quan trọng hơn nói. Bằng cách lắng nghe, con người được giúp đỡ để vượt qua nỗi sợ hãi của chính họ một cách hoàn toàn khách quan bằng sự quan tâm và hỗ trợ trọn vẹn. Dựa vào trực giác và thông qua lắng nghe, huấn luyện viên đưa ra những câu hỏi cho phép khách hàng tự khám phá những điều đang xảy ra với bản thân họ.

Kỹ năng giao tiếp

Huấn luyện là một quá trình hai chiều. Nếu lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng, thì khả năng giải thích và đưa phản hồi để xóa bỏ những rào cản, những định kiến, sự chủ quan và tiêu cực cũng có tầm quan trọng không kém. Khả năng giao tiếp tạo sự tin tưởng và sự hiểu biết đầy đủ từ hai phía. Những huấn luyện viên có thể giao tiếp tốt về mặt cảm xúc, ý nghĩa, cũng như nội dung có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Giao tiếp tập trung vào sự việc, không tập trung những vấn đề cá nhân, không phán xét hoặc bị tác động là những yếu tố cần thiết, đặc biệt là khi đối diện với những lo lắng, hy vọng và những giấc mơ của một người nào đó. Một huấn luyện viên xuất sắc sẽ dùng cách giao tiếp để giúp khách hàng tìm ra câu trả lời của chính họ chứ không phải để đưa cho họ một câu trả lời.

Xây dựng mối quan hệ

Khả năng xây dựng mối quan hệ với người khác là vô cùng quan trọng đối với một huấn luyện viên. Thông thường, khả năng này bắt nguồn từ mong muốn muốn giúp đỡ người khác, điều mà hầu hết các huấn luyện viên đều có được. Việc xây dựng các mối quan hệ có vẻ dễ dàng hơn trong huấn luyện so với những dịch vụ khác vì sự tập trung duy nhất của một huấn luyện viên là vào khách hàng của mình. Bằng cách này, quá trình xây dựng những mối quan hệ phát triển một cách rất tự nhiên và nhanh chóng.

Tạo động lực và truyền cảm hứng

Huấn luyện viên tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người. Khả năng để làm được điều này tiềm ẩn trong con người chúng ta. Nó bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ người khác. Những người mà luôn cảm thấy sẵn sàng để giúp đỡ người khác thường có khả năng tạo động lực và truyền cảm hứng một cách tự nhiên. Đồng thời, khi một người nhận được sự quan tâm và đầu tư cá nhân của huấn luyện viên cho chính niềm hạnh phúc và sự phát triển của họ, thì tự bản thân điều này đã là một động cơ thúc đẩy và truyền cảm hứng.

Tính hiếu kỳ, linh hoạt và sự can đảm

Huấn luyện là một công việc không có khuôn mẫu cố định. Sự khác biệt trong nhu cầu của con người và hoàn cảnh của mỗi cá nhân khiến cho mối quan hệ trong huấn luyện không được áp dụng theo một công thức cụ thể nào. Một huấn luyện viên cần luôn nhớ rằng, mỗi con người đều khác nhau và có những nhu cầu cũng khác nhau. Mọi người dù khác biệt nhưng đều là con người – do đó, một huấn luyện viên cần dùng tình cảm và cảm xúc của một con người để giải quyết vấn đề.

Trong nghề huấn luyện, cảm xúc của khách hàng là yếu tố cần được nắm bắt ngay từ khi bắt đầu quá trình huấn luyện. Do đó, sự linh hoạt để tiếp cận sự khác biệt trong con người, cùng với sự hiếu kỳ và quan tâm tìm hiểu những vấn đề cơ bản trong cuộc sống của họ cũng là một nhân tố cần thiết trong huấn luyện. Tính hiếu kỳ của một huấn luyện viên cho phép hành trình tự khám phá của khách hàng được toàn diện và sâu sắc, ngay cả chính khách hàng và huấn luyện viên cũng thường rất ngạc nhiên trước sự trưởng thành vượt quá sức mong đợi của bản thân họ.

Tất cả những điều này cần đến sự can đảm. Nhìn chung, các huấn luyện viên phải có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân, một quyết tâm vững chắc để có thể làm được những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng, và một niềm tin rằng mỗi người vốn đều có thể đạt đến mục tiêu của mình.

Xem thêm: Kỹ năng huấn luyện và kèm cặp

Những nguyên tắc cơ bản trong huấn luyện là gì?

Một huấn luyện viên điển hình sẽ sử dụng và tuân theo những nguyên tắc sau :

  • Lắng nghe quan trọng hơn nói.
  • Phải hiểu được điều gì tạo động lực cho họ.
  • Mọi người đều có khả năng đạt được nhiều hơn nữa.
  • Quá khứ của một người không phản ánh tương lai của họ.
  • Niềm tin của con người vào những việc không thể chính là giới hạn khả năng của họ.
  • Một huấn luyện viên phải luôn cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ.
  • Huấn luyện viên không đưa ra câu trả lời.
  • Huấn luyện viên không bình phẩm người khác.
  • Tất cả thông tin trong quá trình huấn luyện phải được giữ bí mật tuyệt đối.
  • Có một số nhu cầu của khách hàng không thể được đáp ứng qua quá trình huấn luyện, do đó huấn luyện viên cần cho khách hàng biết điều đó.